Tôi năm nay 26 tuổi,ócầntíchlũynhiềutiềntrướckhiđầutưez build đang đi làm công ty với mức lương quanh 10 triệu đồng một tháng. Tôi muốn tìm hiểu về đầu tư tài chính nhưng không biết học từ đâu và bắt đầu như thế nào? Tôi có cần tích lũy tiền nhàn rỗi từ trước rồi mới học và tham gia đầu tư hay không? Mong có được lời khuyên của chuyên gia cho người trẻ chưa biết gì về tài chính như tôi.
Hien111
Chuyên gia tư vấn:
Người Trung Quốc có một câu ngạn ngữ cổ rằng: "Thời điểm tốt nhất để trồng cây là hai mươi năm trước. Thời điểm tốt thứ hai chính là ngày hôm nay". Câu nói này thực tế có thể được áp dụng ở rất nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống, kể cả trong việc đầu tư và tích lũy tài sản.
Việc bắt đầu tích lũy và đầu tư sớm nhất có thể mang lại rất nhiều lợi ích về lâu dài. Hãy xem xét ví dụ sau đây. Giả sử một người bắt đầu đầu tư bằng số vốn 100 triệu đồng và có khả năng tạo ra một mức lợi nhuận bình quân 10% một năm kéo dài trong nhiều năm. Sau 10 năm, tổng giá trị khoản đầu tư này sẽ đạt mức 259,3 triệu đồng. Và sau 30 năm, con số này sẽ lên đến hơn 1,7 tỷ đồng. Tương tự, sau 40 năm sẽ là hơn 4,5 tỷ đồng, tức gấp 45 lần so với số vốn ban đầu. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư sớm.
Với trường hợp của bạn, tôi chia sẻ một số lời khuyên như sau.
Đầu tiên, bạn hãy trau dồi kiến thức và kỹ năng trong công việc để nâng cao thu nhập trong dài hạn. Việc nâng cao thu nhập trong dài hạn, cộng với kiểm soát tốt chi tiêu sẽ giúp bạn có nhiều nguồn vốn để đầu tư. Đây là tiền đề quan trọng nhất trong quá trình tích lũy tài sản với những người đang ở độ tuổi trẻ.
Tiếp theo là trang bị kiến thức tài chính kỹ càng. Thị trường tài chính vốn dĩ rất phức tạp. Hãy bắt đầu bằng việc tự nghiên cứu và tham gia các khóa đạo tạo kiến thức về đầu tư và các sản phẩm tài chính. Hiện tại có rất nhiều tài liệu trực tuyến, sách và khóa học có thể giúp bạn có hiểu biết cơ bản về đầu tư. Luôn nhớ rằng bất kỳ sản phẩm đầu tư nào cũng đều có hai yếu tố cơ bản là lợi nhuận kỳ vọng và rủi ro. Lợi nhuận cao sẽ đi kèm với rủi ro cao và ngược lại.
Bạn nên xây dựng mục tiêu tài chính rõ ràng. Xác định mục tiêu tài chính, trả lời cho câu hỏi "bạn đầu tư vì mục đích gì?". Đó có thể là cho việc nghỉ hưu, mua nhà, xe hơi hoặc đơn giản tích lũy tiền đi du lịch. Hiểu rõ mục tiêu của bạn sẽ giúp xác định chiến lược đầu tư.
Bạn cũng cần lưu ý lập ngân sách. Việc quan trọng là phải hiểu rõ tình hình tài chính hiện tại của bản thân. Hãy lập một ngân sách để theo dõi thu nhập, chi tiêu và tiền tiết kiệm. Điều này sẽ giúp bạn xác định được số tiền có thể dành cho đầu tư. Hãy cố gắng trích ra khoảng 20-30% thu nhập hàng tháng cho tích lũy và đầu tư. Luôn ghi nhớ rằng nên chi tiêu những gì còn sót lại sau khi đã tích lũy chứ không phải ngược lại.
Bên cạnh đó, trước khi bắt đầu đầu tư, mỗi người cần phải có một quỹ dự phòng khẩn cấp. Quỹ này nên bao gồm ít nhất ba đến sáu tháng chi phí sinh hoạt. Điều này sẽ bảo vệ bạn khỏi các tình huống tài chính bất ngờ.
Bạn có thể bắt đầu từ số vốn nhỏ, chứ không cần một số tiền lớn. Việc đầu tư chứng khoán hiện chỉ đòi hỏi một số vốn tượng trưng. Do đó hãy bắt đầu vừa học vừa thực hành đầu tư với một số tiền nhỏ, và tăng dần qua thời gian.
Trong quá trình rót vốn, hãy hiểu rõ những gì mình đang đầu tư. Điều quan trọng nhất là phải hiểu rõ mình đang kỳ vọng tài sản này sẽ đem lại lợi nhuận như thế nào trong tương lai và trong quá trình đầu tư vào đó bản thân sẽ phải đối mặt với những rủi ro gì. Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế lại đòi hỏi rất nhiều kiến thức, kỹ năng cũng như kinh nghiệm.
Đa dạng hóa danh mục đầu tư là điều rất quan trọng để quản lý rủi ro. Hãy xem xét việc phân bổ ngân sách vào nhiều loại tài sản khác nhau để giảm thiểu tác động của việc lựa chọn sai tài sản đầu tư.
Bạn cũng cần học tính kiên nhẫn vì đầu tư là một công việc dài hạn. Đừng mong muốn có kết quả ngay lập tức và hãy chuẩn bị cho những biến động trong thị trường. Kiên nhẫn là một phẩm chất quý báu trong việc đầu tư.
Ngoài ra, bạn có thể tìm kiếm giải pháp từ các đơn vị quản lý quỹ chuyên nghiệp. Việc tham gia đầu tư các sản phẩm tài chính khi chưa trang bị đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm rất dễ dẫn đến thua lỗ. Bạn có thể tham khảo thêm dịch vụ của những nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp. Những quỹ đầu tư sẽ có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và hoạt động lâu dài ở thị trường tài chính Việt Nam.
Phạm Lê Duy Nhân
Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư
Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF)